Language Translation
.
logo_khong_nen_khong_chu_tai_web
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM
Vietnam Coffee Cocoa Association ( Vicofa )
Bền vững - Năng suất - Chất lượng - Giá trị gia tăng
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới

Ngày đăng: 12-04-2024

Giá cà phê VN không chỉ đắt nhất thế giới mà còn đang cao nhất lịch sử và vẫn có khả năng tăng tiếp. Nhưng cũng chính vì giá quá cao, nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành này khiến nhiều người lo lắng.


Ngày 11.4, Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA) tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng với các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) cùng đại diện các bộ NN-PTNT, Công thương, các tỉnh Tây nguyên để tìm giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê.

Giá cao chưa từng thấy, nhiều vụ bẻ kèo xuất hiện

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, thông báo: Niên vụ cà phê 2023/2024 đã đi được nửa chặng đường. Trong 6 tháng qua, VN đã xuất khẩu được 956.000 tấn cà phê, giảm 1% về lượng nhưng giá trị đạt hơn 3 tỉ USD, tăng đến hơn 40% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá cà phê tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng vì giá cà phê biến động mạnh nên chuỗi sản xuất chế biến, thu mua cung ứng và kinh doanh cà phê xuất khẩu đang đối mặt nhiều thách thức. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng các bên tham gia chuỗi không giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký dù đã bàn bạc chia sẻ rủi ro.

Các đại biểu đồng tình rằng giá cà phê thời gian gần đây tăng rất nhanh, đang cao nhất lịch sử và là mức cao chưa từng thấy. Ông Thái Như Hiệp, Phó chủ tịch VICOFA, phân tích: Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do nguồn cung cà phê khan hiếm, xuất hiện từ niên vụ 2021/2022 kéo dài đến nay và ngày càng trầm trọng, thậm chí gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Bởi với mức giá 90.000 đồng/kg, người dân bán rất nhiều. Lượng cà phê xuất khẩu của VN hiện gần 1 triệu tấn, tồn kho còn lại chỉ khoảng hơn 300.000 tấn cho 6 tháng cuối niên vụ. "Ngày 10.4, giá cà phê ở thị trường VN đã 107.000 đồng/kg. Hôm nay khi chúng ta ngồi dự họp ở đây, giá có thể đã lên tới 110.000 đồng/kg. Sắp tới, giá lên tới 120.000 đồng/kg cũng đã trở thành điều bình thường", ông Hiệp nói.

Giá cà phê VN đang ở mức cao nhất lịch sử, vẫn còn có khả năng tăng tiếp

Giá cà phê VN đang ở mức cao nhất lịch sử, vẫn còn có khả năng tăng tiếp

MINH ĐĂNG


Nhìn lại lịch sử ngành cà phê, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA, cũng là một doanh nhân xuất khẩu cà phê hàng đầu VN, so sánh: Khoảng năm 2000, giá cà phê chỉ 3.000 đồng/kg, thấp nhất lịch sử. Đến nay, giá đạt mức cao chưa từng có là 110.000 đồng/kg. Khi giá quá thấp, chuỗi cung ứng cũng gặp rối loạn và người dân chặt bỏ cây cà phê hàng loạt. Nay giá cao lịch sử, ngành cà phê cũng đối mặt nhiều rủi ro, thách thức không kém. Giá tăng quá nhanh và quá cao dẫn tới một số hợp đồng bị phá vỡ, gây mất uy tín cho ngành cà phê VN. Đây là những điều chưa từng xảy ra với ngành cà phê VN. Trên thực tế, cơn sốt giá cà phê xảy ra trên phạm vi toàn cầu, các thị trường khác cũng gặp vấn đề tương tự.

"Nếu chúng ta không có giải pháp tốt để giải quyết thực trạng hiện tại, thúc đẩy liên kết lẫn nhau và liên kết với các nhà rang xay thế giới, tạo uy tín để phát triển bền vững thì có thể trong tương lai sẽ phải "trả giá". Chính vì vậy hội nghị lần này có sự tham gia của các DN FDI và các bộ ngành để cùng nhau thảo luận và giải quyết vấn đề này. VN cần phải đi trước một bước để xây dựng và bảo vệ tính bền vững cho ngành cà phê, vì chúng ta là nguồn cung lớn nhất", ông Nam nói.

Đối tác nước ngoài dọa bỏ đi

Đại diện các DN nước ngoài phản ánh tình trạng một số nhà cung ứng VN có hàng nhưng không giao theo hợp đồng mà mang bán cho đối tác khác với giá cao hơn. Vì thế, họ cân nhắc việc tìm nguồn cung khác thay thế, dù đánh giá rất cao chất lượng hạt cà phê robusta của VN.

Đại diện Công ty TNHH Neumann VN bức xúc: "Khi nguồn cung cà phê ngày càng hạn chế thì vấn đề giao hàng chậm, hủy hợp đồng ngày càng trầm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi mà kể cả các nhà rang xay quốc tế - đối tác của chúng tôi. Một số nhà cung ứng không tôn trọng hợp đồng đã ký, họ trì hoãn giao hàng và tìm khách mới để bán với giá cao hơn, thậm chí cả những đối tác đã có thời gian hợp tác lâu dài. Điều này tạo ra một "tiền lệ nguy hiểm" ảnh hưởng về danh tiếng cho cả ngành cà phê VN. Vấn đề này đang lan rộng dẫn đến nguy cơ phá vỡ cả chuỗi cung ứng". 

Vị này cũng thẳng thắn đề nghị: "Các nhà rang xay thế giới rất cần nguồn cà phê robusta chất lượng cao từ VN. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, có thể họ phải cân nhắc việc tìm nguồn cung cấp từ các nước khác thay thế. Tôi khuyến nghị các nhà cung ứng nên tôn trọng hợp đồng và thực hiện nó. Mong phía cơ quan Chính phủ VN có biện pháp tháo gỡ".

Năm nay lượng cà phê tồn kho của VN có thể hết sớm hơn bình thường 3 - 4 tháng

Năm nay lượng cà phê tồn kho của VN có thể hết sớm hơn bình thường 3 - 4 tháng

HOÀNG NGUYỄN


Bà Tâm Anh, đại diện Tập đoàn JDE, một trong những nhà rang xay cà phê lớn nhất thế giới và cũng là nhà mua cà phê nhiều nhất VN, chia sẻ đến thời điểm này chưa bị hủy hợp đồng và cũng không bị chậm giao hàng do đã đánh giá trước rủi ro và có những biện pháp ứng phó, hỗ trợ đối tác trong việc thực hiện hợp đồng. "Nhưng phải nói thẳng, trong chuỗi cung ứng cà phê đang xảy ra "một tâm lý kỳ lạ" từ một số nguồn cung là có hàng nhưng không muốn giao theo hợp đồng, mà lại đi tìm đối tác mới. Giá cà phê ở Indonesia đang rẻ hơn VN, nên các nhà cung cấp VN đừng nghĩ rằng nguồn cung từ VN là không thể thay thế", bà Tâm Anh khuyến cáo.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Cà phê Ngon, một DN từ Ấn Độ, cũng cho biết dù là một trong những DN đầu tư sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất VN và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nhưng công ty cũng đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào, nguồn cung hạn chế và giá tăng quá cao. "Chúng tôi đang xem xét việc nhập khẩu cà phê từ Brazil để phục vụ sản xuất. Brazil cũng đang mở rộng diện tích trồng cà phê robusta và sản lượng có thể bằng hoặc vượt VN trong một vài năm tới".

Đại diện Công ty Nestlé VN nói thẳng, dù sản lượng cà phê robusta VN chiếm một tỷ trọng lớn trong công thức của công ty, mục tiêu đến năm 2025 là sử dụng toàn bộ sản phẩm cà phê bền vững từ VN; tuy nhiên trong hai năm nay do đứt gãy chuỗi cung ứng nên Nestlé buộc phải chuyển một phần sản lượng thu mua sang các nước khác. "Chúng tôi mong muốn nguồn cung từ VN ổn định hơn", vị này nhấn mạnh.

Không dễ thay thế, nhưng đừng chủ quan

Đáp lời các DN nước ngoài, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco), dẫn chứng nhìn vào số liệu hải quan, sản lượng xuất khẩu cho thấy đạt tới 99% so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là 90% các hợp đồng đã được các DN xuất khẩu VN thực hiện "đúng, đủ và kịp tiến độ" theo cam kết. "Chúng tôi cũng mua với giá bù lỗ để thực hiện cam kết của mình. Đó là sự thật và mọi người ngồi đây đều rõ. Đến thời điểm này khi chúng ta cùng trải qua giai đoạn thị trường tăng cao đột ngột thì hiện tại các DN cũng đều là "cùng cảnh ngộ". Những đứt gãy chuỗi cung ứng có xảy ra nhưng đó là với một số mắt xích nhỏ ở bên dưới, một vài DN kém uy tín; còn phần lớn các DN VN cũng gồng mình thực hiện hợp đồng", ông Huy thông tin.

Cũng theo ông Huy, tình trạng hiện nay cũng có lỗi của các DN FDI. Nhiều DN FDI muốn tận dụng cơ hội giá tốt nên làm ăn với các DN nhỏ lẻ, bên cạnh đó thực hiện chiến lược mua sớm. Mùa vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 10 nhưng các DN FDI đã bắt đầu mua cà phê non khi mới bắt đầu tháng 6 - 7 với giá thấp. "Qua cơn bão giá lần này, tôi thiết nghĩ các DN FDI cũng nên coi lại cách thức phối hợp của mình. Đầu tiên là nên hợp tác với các DN lớn có uy tín, DN hội viên VICOFA để tránh rủi ro. Các DN FDI không nên lấn sân lẫn nhau mà vạch rõ ranh giới, phần việc trong chuỗi giá trị để cùng nhau thực hiện tốt phần việc của mình, chia sẻ lợi ích hài hòa lẫn nhau", ông Huy nêu giải pháp.

Theo các DN, nguồn cung cà phê tiếp tục hạn chế, gây khó khăn kéo dài cho cả niên vụ tiếp theo. Tại Tây nguyên đang vào mùa nắng khô hạn; nắng nóng 35 - 37 độ C, gió mạnh khiến nhiều vườn cà phê bị héo khô, bệnh rệp sáp phát triển... Trong khi đó, mực nước ngầm - nguồn nước quan trọng phục vụ nông nghiệp, trước đây ở độ sâu 90 m, nay đã khoan sâu đến 140 m vẫn chưa có nước. Chưa kể, giá cà phê tuy cao nhưng cũng khó cạnh tranh được với những loại cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng. Những yếu tố này khiến sản lượng cà phê cứ sụt giảm 10 - 20% mỗi năm. Nếu tình trạng này kéo dài, DN cà phê cũng sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Chính vì vậy cần có giải pháp phát triển bền vững cho ngành này từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và xuất khẩu.

 
Giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới- Ảnh 3.
 
Giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới- Ảnh 4.
 

Trên tổng thể, ông Đỗ Hà Nam khẳng định: Cà phê VN đóng một vai trò và vị thế lớn trên thị trường thế giới. Sản phẩm cà phê robusta VN ngày càng có giá trị cao và không dễ gì thay thế, nên bắt buộc các nhà rang xay phải mua. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tỉnh táo, giữ gìn uy tín thương hiệu, không để đánh mất giá trị và vị thế cà phê VN. Thực tế, phản ánh của các DN FDI không phải không có căn cứ. Năm 2023 chúng ta đã phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê và có thể năm nay sản lượng nhập khẩu còn cao hơn. 

"Bản thân tôi là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng có lúc vẫn phải nhập. Bên cạnh đó, có DN cung ứng cà phê xù hợp đồng đến cả trăm ngàn tấn và đang đối mặt nguy cơ bị đối tác đưa ra tòa. Tuy nhiên, cũng có DN phải bán nhà để thực hiện đúng cam kết. Thời gian qua, để an toàn, nhiều DN thực hiện chiến lược mua ngay bán ngay nên cũng không được lợi "khủng" như nhiều người vẫn tưởng. Nguyên nhân là không ai dự đoán được sự biến động mạnh của thị trường như hiện tại và cũng không có vốn lớn để trữ hàng", ông Nam nói.

"Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ về việc chúng ta phải tôn trọng lợi ích của khách hàng, đối tác; xây dựng mối liên kết đồng hành và chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro cùng nhau", ông Nam chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Nam Hải khuyến nghị: "Để ngành cà phê phát triển bền vững, các bên liên quan chuỗi giá trị cần chia sẻ rủi ro, tăng cường hợp tác lẫn nhau. Cụ thể, các DN FDI cần hợp tác với VICOFA nhiều hơn để có thể làm việc trực tiếp với những DN xuất khẩu lớn, uy tín cao; tránh tình trạng thu mua từ các DN nhỏ lẻ thiếu uy tín. Bên cạnh đó, các DN VN hạn chế tình trạng mua xa bán xa để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, DN cũng cần sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng để có đủ vốn mua cà phê trong dân, vì giá cà phê liên tục tăng mạnh dễ gây thiếu hụt nguồn vốn để mua hàng".


Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản như gạo, sầu riêng, cà phê… sốt giá. Ngoài yếu tố tích cực là mang lại thu nhập cao cho người nông dân, cũng gây ra một số khó khăn cho thị trường, DN; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả chuỗi giá trị. Chúng tôi đã nỗ lực phối hợp cùng các địa phương, đơn vị và DN thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ cũng như Chính phủ trong việc phát triển bền vững các ngành hàng, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát thực tế ở các vùng nguyên liệu để có báo cáo kịp thời với lãnh đạo Bộ về thực tế việc phát triển các ngành hàng có giá trị kinh tế cao. Sắp tới sẽ tiếp tục khảo sát ở vùng Tây nguyên để cung cấp những số liệu chính xác nhất.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT


Cà phê Việt đảm bảo tốt nhất các tiêu chuẩn chống phá rừng của EU

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA, quy định mới của Liên minh Châu Âu (EU) về chống phá rừng bắt buộc các DN xuất khẩu phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng. Hiện tại, sản phẩm cà phê của VN xuất khẩu là nguồn cung có tỷ lệ an toàn cao nhất so với những tiêu chí mà thị trường EU yêu cầu. Đây là một lợi thế rất lớn của cà phê VN trong thời gian tới so với các nguồn cung khác.


Sơn La tiếp tục phát triển cà phê bền vững

Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Là địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn thứ 3 cả nước, tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, bên cạnh đó tập trung đầu tư vào khâu chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.

Đối với cà phê, hiện tỉnh có diện tích trên 20.000 ha, định hướng tiếp tục mở rộng lên 25.000 ha trong năm 2025 và 30.000 ha vào năm 2030. Hiện tại, phần lớn diện tích cà phê của địa phương đều đáp ứng các yêu cầu về chống suy thoái rừng và mất rừng của EU. Địa phương vẫn còn dư địa để mở rộng diện tích trồng cà phê và tiếp tục quan điểm phát triển cà phê bền vững về tự nhiên và giá trị sản phẩm để mang lại thu nhập cao và bền vững cho người nông dân.

 
 
TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC
THÀNH VIÊN ĐĂNG NHẬP
THỊ TRƯỜNG GIÁ CÀ PHÊ
Cập nhật hôm nay:
Giá định hướng ICOGiá trên sàn kỳ hạnGiá nội địa

Xem chi tiết >>>                             Chỉ số giá định hướng ngày: 12/08/2022

ĐVT: US cents/lb  

 

 

 

ICO Indicator prices
(US cents/lb)  12/08/2022

 

 

change

ICO Composite

201.65

+0.3%

Colombian Milds

296.41

+0.9%

Other Milds

270.12

+0.7%

Brazilian Naturals

221.83

-0.4%

Robustas

112.73

+0.5%

Xem chi tiết >>>                             Phiên giao dịch: 15/08/2022

ĐVT: USD/tấn (London)

US cents/lb (New York)

 

London

Giá khớp

Thay đổi

09/22

2256

+4

11/22

2265

+4

New York

Giá khớp

Thay đổi

12/22

221.55

-0.85

03/23

216.70

-0.85

Xem chi tiết >>>                            Ngày cập nhật: 25/07/2022

ĐVT: đồng/kg

 

 

Daklak:                

Mua xô: 43.400 đồng/kg cơ sở

Giao kho Daklak: 43.600 đồng/kg

Giao kho Bình Dương: 43.800 đồng/kg

R2: +200 đồng/kg so với xô

Mua R1 sàng 16: +800 đồng/kg

 

Gia Lai:                

Mua xô: 43.200 – 43.400 đồng/kg

 

Lâm Đồng:          

Mua xô: 43.400 – 43.600 đồng/kg

 



HỘI VIÊN LIÊN KẾT
lien_he_qung_cao
WEBSITE LIÊN KẾT
icobo_tai_chinhbo_cong_thngvcci_chuan_moi
cu_thuebo_nong_nghiephai_quantong_cuc_thong_ke
THÀNH VIÊN HIỆP HỘI
logo_mau_moiw

HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)

Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội

 

Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội

VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

 

Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818

E-mail: info.vicofa@gmail.com 

Website: www.vicofa.org.vn

 

Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.

 

                                                                 gf-icn-youtube gf-icn-facebook gf-icn-twitter gf-icn-instagram gf-icn-rss

Website is designed at tnweb.vn