Bà Mai Kim Liên, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo. |
Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá carbon, cụ thể là hệ thống thương mại phát thải (hay thị trường carbon nội địa) nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tác động của các chính sách liên quan của quốc tế có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta như cơ chế CBAM, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phù hợp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất quy định và lộ trình áp dụng thuế carbon tại Việt Nam.
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã đề xuất 2 phương án để ban hành thuế carbon dựa trên các cơ chế chính sách hiện hành. Một là sửa đổi dự thảo Nghị định quy định về Phí Bảo vệ môi trường đối với khí thải (dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2023). Hai là đưa thuế carbon vào nội dung sửa đổi của Thuế Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài chính dự kiến trình vào năm 2026).
Các chuyên gia khuyến nghị cần bảo đảm tiếp cận liên ngành và điều phối giữa các cơ quan liên quan, tham vấn về các phương án chủ chốt và phạm vi của thuế carbon trong bối cảnh chính sách giảm phát thải quốc gia. Tăng cường hợp tác toàn diện giữa các cơ quan quản lý; thực hiện nghiên cứu về việc tái sử dụng nguồn thu từ thuế carbon để xác định các phương án nhằm đảm bảo khuyến khích giảm phát thải. Thí điểm để xây dựng kinh nghiệm thực tế về thu thuế carbon và hệ thống báo cáo cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng như các cơ quan nhà nước; xác định những thách thức và rào cản đối với việc triển khai thu thuế carbon...
Tin, ảnh: LA DUY
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/de-xuat-phuong-an-ban-hanh-thue-carbon-tai-viet-nam-740764